Cùng với dự án thành phần 1A, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết dự án Vành đai 3 đang được thành phố đeo bám các mốc tiến độ. Phấn đấu trong tháng 9-2022, TP HCM hoàn tất giao ranh mốc; tháng 11-2022 hoàn thành thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án thành phần, bảo đảm khởi công tháng 6-2023.
Giảm tải giao thông cho khu vực
Dự án thành phần 1A gồm cầu Nhơn Trạch và phần đường dài hơn 8 km, điểm đầu giao với Đường tỉnh 25B thuộc huyện Nhơn Trạch và điểm cuối giao với tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Trong đó, gói thầu thành phần được mong chờ nhất là cầu Nhơn Trạch nối TP HCM với Đồng Nai. Theo thiết kế, cầu Nhơn Trạch rộng 19,75 m, dài 2.040 m, đường dẫn hai bên đầu cầu dài 560 m.
Dự án thành phần 1A do Ban Quản lý Mỹ Thuận - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư với tổng số vốn 6.955 tỉ đồng từ nguồn vay ODA của chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (khoảng 4.175 tỉ đồng) và nguồn đối ứng của Chính phủ Việt Nam (2.779 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương 529 tỉ đồng, ngân sách TP HCM 1.599 tỉ đồng, tỉnh Đồng Nai 651 tỉ đồng).
Những km đầu tiên của dự án Vành đai 3 chính thức khởi công
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, cho biết dự án thành phần 1A đã bàn giao mặt bằng được hơn 2,8 km (đạt 34,5%). Trong đó, TP HCM được hơn 1,7/1,9 km (đạt 91%) tuyến chính và tỉnh Đồng Nai 1,1/6,3 km (đạt 17,5%). Thời gian thi công dự án thành phần này là 3 năm, dự kiến hoàn thành tháng 9-2025.
Theo ông Thi, cầu Nhơn Trạch là một trong những công trình kết nối với sân bay quốc tế Long Thành. Khi hoàn thành, công trình này sẽ góp phần giảm áp lực giao thông trên tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây theo hướng đi Quốc lộ 51, phục vụ nhu cầu vận chuyển của những doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Nhơn Trạch.
"Dự án hoàn thành sẽ góp phần rút ngắn thời gian cũng như tạo điều kiện đi lại thuận lợi giữa huyện Nhơn Trạch với TP HCM và Bình Dương; kết nối nhiều tuyến cao tốc trọng điểm phía Nam, thúc đẩy giao thương giữa các địa phương cũng như kết nối các đô thị vệ tinh, mở rộng không gian phát triển quỹ đất, dịch vụ, thương mại, công nghiệp, logistics... cho các tỉnh, thành trong khu vực. Đặc biệt, công trình sẽ góp phần phân luồng từ xa và giảm ách tắc cho các tuyến đường nội đô TP HCM, từng bước góp phần hoàn chỉnh tuyến Vành đai 3 theo kế hoạch đề ra" - ông Thi nhấn mạnh.
Tạo cơ hội phát triển vùng Đông Nam Bộ
Nhận định về ý nghĩa dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết vùng Đông Nam Bộ gồm TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh là trung tâm công nghiệp, cảng biển và logistics lớn nhất của cả nước, đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và trên 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam. Hiện nay, 70% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực Tây Nam Bộ đều thông qua cảng biển khu vực TP HCM và vùng Đông Nam Bộ.
Mặt khác, hàng hóa và hành khách lưu thông giữa vùng Tây Nam Bộ với vùng Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung đều thông qua TP HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của TP HCM nói riêng và Đông Nam Bộ nói chung đang quá tải, thiếu kết nối đồng bộ. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông chỉ đạt khoảng 25% - 27% nhu cầu theo các quy hoạch đã được phê duyệt. Đây là một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp, kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong vùng.
Để bảo đảm tiến độ dự án thành phần 1A đưa vào sử dụng đồng bộ với sân bay Long Thành, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn lưu ý TP HCM và Đồng Nai quan tâm bố trí đủ nguồn vốn, chỉ đạo việc bồi thường giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư trong quý IV/2022. Thứ trưởng đề nghị các mỏ vật liệu ưu tiên cung cấp đủ nguồn nguyên vật liệu cho dự án.
Theo ông Nguyễn Tấn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, từ trước đến nay, việc đi lại của người dân 2 địa phương chủ yếu thông qua tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và phà Cát Lái. Hai tuyến này thường xuyên ùn ứ, quá tải vào những ngày cao điểm, lễ, Tết… Do đó, dự án thành phần 1A sẽ mở ra hướng kết nối mới cho 2 địa phương, đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho huyện Nhơn Trạch trong quá trình trở thành đô thị loại 1 theo quy hoạch.
"UBND tỉnh Đồng Nai thúc đẩy khâu giải phóng mặt bằng, cố gắng bàn giao cho chủ đầu tư trong quý IV/2022 và đề nghị chủ đầu tư bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình trong suốt quá trình thi công" - ông Nguyễn Tấn Đức khẳng định.
Giảm chi phí vận tải, đi lại thuận lợi
Nghe thông tin dự án thành phần 1A khởi công, trong đó có cầu Nhơn Trạch, ông Nguyễn Tấn Bình (ngụ huyện Nhơn Trạch) mừng rỡ: "Mang tiếng là sống giáp ranh TP HCM nhưng mỗi lần qua thành phố, tôi phải đi đò ngang hoặc xếp hàng chờ qua phà Cát Lái. Nếu có cầu Nhơn Trạch, việc đi lại của người dân đỡ vất vả hơn nhiều".
Bà Lâm Mỹ Hoa (chủ một doanh nghiệp tại KCN Nhơn Trạch) cho rằng cầu Nhơn Trạch hình thành sẽ giúp doanh nghiệp giảm được chi phí vận chuyển, cũng như tăng năng suất vận chuyển hàng hóa về cảng Cát Lái, TP HCM.